Ganoderma subresinosum (còn có tên khác: Fomes subresinosum, Amauroderma subresinosum, Trachyderma tsunodae, và Magoderna subresinosus), thường được gọi là nấm Linh chi đen (hay nấm Hắc chi, phân bố ở Việt Nam, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Lào và Trung Quốc (Hapuarachchi, 2019). Quả thể của Ganoderma subresinosum đặc biệt với các loài khác bởi bề mặt có màu nâu sẫm (Luangharn et al., 2021). Thuộc chi Linh chi, nó được sử dụng như một loại thuốc thảo dược để tang cường sức khỏe (Wang et al., 2016). Hiện nay, chưa có nhiều nghiên cứu để xác định thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của loài nấm linh chi này. Wang và cộng sự, đã phân lập được hai hợp chất mới, đó là amaurosubresin và erythro (23,24) -5α, 6αepoxyergosta-8-ene-7-one-3β, 23-diol, có hoạt tính ức chế chống lại acetylcholinesterase (Wang và cộng sự, 2016). Ngoài ra, 11-octadecaenoic được xác định là axit béo chính (55%) tổng số axit béo của nấm linh chi subresinosum (Quang và cộng sự, 2011).
Để có thể tìm ra được chủng nấm dược liệu có giá trị cao để đưa vào nuôi trồng và ứng dụng là một trong những thách thức lớn nhất đối với ngành trồng nấm. Với các nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi trồng và nhân giống nấm, điều đáng chú ý nhất là thu thập và nuôi trồng các chủng nấm bản địa có giá trị cao trước khi chúng có nguy cơ bị khai thác cạn kiệt dẫn đến tuyệt chủng (Nguyễn Thị Bích Thuỳ và cs., 2021). Theo đó, các nghiên cứu trước đây đã báo cáo việc nuôi cấy thành công các chủng nấm được thu thập ngoài tự nhiên, chẳng hạn như Trametes versicolor (Nguyễn Thị Bích Thuỳ và cộng sự, 2021), Pycnoporus sanguineus (Dulay và Damaso, 2020). Tuy nhiên, theo những gì chúng tôi được biết, không có nghiên cứu nào được thực hiện để đánh giá tiềm năng ứng dụng hoặc khai thác hoàn thiện công nghệ nuôi trồng các chủng nấm Linh chi đen trong tự nhiên.
Các điều kiện nuôi trồng là yếu tố chính ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của sợi nấm và sự hình thành quả thể của nấm (Nguyễn Thị Bích Thuỳ và cộng sự., 2020). Trong số các loài Linh chi, hầu hết các nghiên cứu đều tập trung vào việc xác định các điều kiện nuôi trồng đối với Ganoderma lucidum (Jayasinghe et al., 2008) và Ganoderma applanatum (Jo et al., 2009) và chưa có các công bố nghiên cứu về các loài khác. Các điều kiện nuôi trồng tối ưu cho sự phát triển của Ganoderma lucidum là môi trường YM, pH 5, ở 25-30 oC (Jayasinghe et al., 2008), trong khi Ganoderma applanatum phát triển tốt trên môi trường PDA, YMA và MCM, ở 25-30oC (Jo et al., 2009). Các điều kiện cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của sợi nấm Ganoderma subresinosum vẫn chưa được biết đến.
Kết quả nghiên cứu khoa học thuộc nhiệm vụ: “Bước đầu nghiên cứu sinh trưởng, phát triển của chủng nấm Hắc chi Ganoderma subresinoum (Ga-21) được phân lập ở Việt Nam” năm 2021 do Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì, qua nghiên cứu này chúng tôi bước đầu báo cáo về việc nuôi trồng thành công một chủng nấm Linh chi mới được thu thập ngoài tự nhiên subresinosum của Việt Nam. Các điều kiện nuôi cấy tối ưu để sợi nấm Ganoderma subresinosum phát triển tốt nhất là fructose (20g/l) làm nguồn cacbon, chiết xuất cao nấm mem (1g/l) và Pepton (3g/l) làm nguồn nitơ, pH 7 và 25-30oC.
Đối với môi trường nhân giống cấp 2, sợi nấm của Ganoderma subresinosum phát triển nhanh nhất trên công thức 2 (69% hạt gạo + 30% mùn cưa + 1% CaCO3). Khả năng hình thành quả thể của chủng Ganoderma subresinosum trên tất cả các công thức nuôi trồng. Tuy nhiên, hiệu suất sinh học cao nhất khi được nuôi trồng trên công thức có tỷ lệ: 96% mùn cưa, 1% cám, 1% CaCO3. Nói chung, kết quả nghiên cứu bước đầu của chúng tôi cho thấy rằng chủng nấm Ganoderma subresinosum GA21 là một chủng nấm dược liệu tiềm năng to lớn để đưa vào tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện công nghệ nuôi trồng để từng bước đưa ra sản xuất.